Quy trình sản xuất thời trang: từ ý tưởng đến cửa hàng

Nhắc đến thời trang, ta dễ dàng nghĩ đến sàn catwalk với những bước chân sải dài, những ánh đèn lộng lẫy, những hình ảnh không tì vết,... nhưng tất cả những điều đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Để có được bộ sưu tập thời trang ra đời yêu cầu sự vận hành và phối hợp chặt chẽ của cả một bộ máy khổng lồ làm nghiên cứu, sản xuất đến marketing.

Trong bài viết này, hãy cùng khám phá phần chìm của tảng băng - quy trình sản xuất một bộ sưu tập thời trang: từ ý tưởng cho đến quầy trưng bày ngoài cửa hàng nhé!

1. Nghiên cứu

Ở bước này, xu hướng công nghệ và thị hiếu người tiêu dùng được nghiên cứu kỹ lưỡng, kết hợp cùng cảm hứng nghệ thuật của Giám đốc sáng tạo để đưa ra chủ đề cho bộ sưu tập mới của thương hiệu. Chủ đề này được thể hiện thông qua moodboard - bảng tổng hợp những hình ảnh, chất liệu, màu sắc nhằm gợi ra một chủ đề xác định.

Từ moodboard, nhà thiết kế sẽ vẽ hàng loạt mẫu, số lượng có thể lên đến hàng nghìn. Từ đó lựa chọn ra những mẫu có thể đưa vào bộ sưu tập cuối cùng dựa trên tiêu chí về tính tương đồng với DNA thương hiệu, tương hợp với chủ đề và khả năng phối hợp giữa các mẫu. 

2. Sản xuất

Sau khi đã thống nhất được bộ sưu tập, bộ phận sản xuất bắt đầu lên rập giấy để làm sản phẩm mẫu. Từ đó ấn định số đo, kỹ thuật và thiết kế cuối cùng nhằm tiến đến bước sản xuất hàng loạt. Trước khi được đưa ra thị trường, sản phẩm phải trải qua quá trình kiểm soát chất lượng với nhiều yếu tố như độ bền, phom dáng, cảm nhận bề mặt vải…

3. Marketing / PR

Sau khi bộ sưu tập được duyệt và chuẩn bị ra mắt thị trường, phòng marketing sẽ lên kế hoạch chuyển cảm hứng chủ đề của bộ sưu tập lên những ấn phẩm: bài viết, lookbook, video để truyền tải thông điệp đến công chúng một cách thuyết phục và lôi cuốn nhất.

Kế đó, họ cũng sẽ gửi một bản chỉ dẫn trưng bày sản phẩm đến bộ phận phụ trách. Điều này sẽ đảm bảo hình ảnh quảng cáo trên báo đài và các kênh online đồng nhất với hình ảnh, trang trí tại cửa hàng. Ngoài ra, bộ phận truyền thông cũng sẽ tổ chức các buổi trưng bày giới thiệu bộ sưu tập với báo chí để đẩy mạnh quảng bá cho bộ sưu tập. 

4. Vận hành

Công việc tại bộ phận Operation là truyền đạt thông điệp về cảm hứng, kiến thức về sản phẩm của bộ sưu tập mới cho nhân viên tại cửa hàng để việc tư vấn mua hàng được chuyên nghiệp và hiệu quả.

5. Bán lẻ

Cuối cùng, khi bộ sưu tập được tung ra thị trường một thời gian thì bộ phận bán lẻ cần phân tích số liệu để đo lường hiệu quả, đánh giá sản phẩm. Từ đó, đưa ra những kế hoạch tiếp theo cho thương hiệu. Ví dụ, cần có kế hoạch sản xuất thêm những mặt hàng bán chạy như thế nào? Hay kế hoạch khuyến mại nhằm đẩy hàng tồn ra sao?

Chia sẻ bởi chị Trần Hà Mi, Chiến lược gia thời trang với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành thời trang. Chị từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Marketing tại các các công ty, tạp chí thời trang cao cấp hàng đầu như Gucci Vietnam, ELLE Vietnam. Hiện tại, chị Mi là Co-founder của trang tin trực tuyến về thời trang, sáng tạo Style-Republik và trường đào tạo kinh doanh thời trang SR Fashion Business School.