Những rủi ro khi sử dụng Mạng Xã Hội doanh nghiệp cần lưu ý
Sở hữu lượng người dùng khổng lồ cùng tính năng tương tác, chia sẻ, mạng xã hội đã trở thành kênh truyền thông đầy sức mạnh đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Nhà nhà ồ ạt tạo Fanpage, Instagram hay xây kênh TikTok. Tuy nhiên, trong thực tế, việc đưa doanh nghiệp lên nền tảng mạng xã hội không phải là một nước đi dễ dàng.
Bạn sẽ rất nhiều tiêu tốn thời gian, tiền bạc cũng như công sức nếu chỉ chạy theo phong trào mà không nắm vững kiến thức và lên kế hoạch cụ thể. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 3 rủi ro và một số lưu ý doanh nghiệp cần nắm khi xây dựng các kênh truyền thông trên mạng xã hội:
1. Quá nhiều nền tảng tồn tại
Nhiều nền tảng hơn nghĩa là khả năng tiếp cận đến khách hàng cũng lớn hơn. Nhưng mặt khác, đây có thể là “chiếc bẫy ngọt ngào” làm hao phí nguồn lực (tài chính, nhân lực, thời gian) của doanh nghiệp. Mỗi nền tảng xã hội sẽ có một tập người dùng đặc trưng riêng, sở hữu tính năng và yêu cầu về nội dung khác biệt. Nếu không cẩn thận, doanh nghiệp sẽ hao phí nguồn lực vào những nền tảng có tập người dùng không phù hợp, thậm chí có thể phản tác dụng khi truyền tải thông điệp truyền thông.
2. Thuật toán thay đổi liên tục
Thực tế, trong “sân chơi” mạng xã hội, doanh nghiệp chỉ là một đơn vị sử dụng dịch vụ từ các bên sở hữu như Facebook, Instagram, LinkedIn,... nên phải tuân thủ mọi “luật chơi” về thuật toán quảng cáo hay tính năng. Trong khi đó, “luật chơi” này lại liên tục được thay đổi để đáp ứng với nhu cầu “sáng nắng chiều mưa” của người dùng. Như một lẽ tất yếu, doanh nghiệp phải chạy theo và điều chỉnh, nếu không muốn chiến lược marketing của mình trở nên lỗi thời.
3. Thiếu kiểm soát về bảo mật dữ liệu
Cùng lý do ở trên, trên mạng xã hội, doanh nghiệp không có toàn quyền kiểm soát và bảo mật dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, khi có khủng hoảng dữ liệu xảy ra, chính doanh nghiệp sẽ là đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp với người dùng. Kể cả khi mạng xã hội nhận hoàn toàn trách nhiệm cho khủng hoảng thì như một đơn vị hợp tác, thương hiệu cũng sẽ hứng chịu phần nào phản ánh tiêu cực khách hàng.
Như gần đây, Facebook gặp khủng hoảng và bắt đầu siết chặt thuật toán quảng cáo khiến các doanh nghiệp buộc phải chi tiêu mạnh tay hơn. Đồng thời, doanh nghiệp một khi đã gắn bó với nền tảng sẽ khó rời bỏ vì đã dành rất nhiều nguồn lực để xây dựng kênh truyền thông này.
4. Gợi ý nào cho doanh nghiệp?
Đầu tiên, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng về các nền tảng xã hội trước khi tham gia. Việc nghiên cứu trước sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn được chính xác nền tảng phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, trong khi nghiên cứu, doanh nghiệp cũng sẽ lường trước rủi ro để kiểm soát khủng hoảng hiệu quả hơn.
Sau khi nghiên cứu, doanh nghiệp cần sản xuất và phân bố nội dung phù hợp cho đặc tính của từng mạng xã hội. Ví dụ, với mạng xã hội chuyên để giới trẻ đăng tải hình ảnh như Instagram, nội dung cần chú trọng là hình ảnh đẹp mắt. Trong khi đó, với mạng xã hội dành cho giới đi làm chuyên nghiệp hoặc để tìm việc như LinkedIn thì doanh nghiệp cần xây dựng các bài viết học thuật và chuyên sâu hơn.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần ưu tiên xây dựng owned platform. Đây là tất cả các platform mà bạn sở hữu hoàn toàn về branding, nội dung, cơ sở dữ liệu khách hàng, hệ thống thông tin... Cốt lõi của Owned platform là website, mobile app hoặc những nền tảng nội dung khác mà bạn tạo ra. Owned cũng bao gồm email, số điện thoại. Nhiều marketer thường bỏ qua hoặc không biết tối ưu loại dữ liệu này, tuy nhiên, đây là tài nguyên rất hữu ích cho các chiến lược lâu dài.