3 sai lầm phổ biến khi triển khai nội dung quảng cáo Facebook
Khách hàng sẽ đánh giá một thương hiệu là thiếu chuyên nghiệp nếu bắt gặp một bài viết có lỗi sai chính tả, một từ ngữ bị mất dấu câu trên thiết kế. Do vậy, hãy cẩn trọng khi triển khai nội dung quảng cáo.
Tuy nhiên, đây chỉ là những lỗi trên bề mặt có thể nhìn thấy được, thực tế còn nhiều điểm cần lưu ý khác, mà ngay cả các bạn làm Content nhiều năm kinh nghiệm vẫn vướng phải do thói quen quán tính.
Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ về ba nhóm lỗi cơ bản khi triển khai nội dung để chạy quảng cáo trên Facebook là: lỗi tư duy, lỗi diễn đạt và lỗi trình bày.
Bài viết được trình bày bởi chị Nguyễn Thị Thu Hảo - Marcom Manager tại GIGAN JSC. Chị có nhiều năm phụ trách hoạt động Marketing và Truyền thông của nhiều doanh nghiệp lớn ở cả 2 phía Client & Agency.
1. Lỗi tư duy
Đa phần, người viết mắc phải lỗi tư duy vì chưa có nền tảng kiến thức marketing vững vàng. Với các bạn mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm thường sẽ triển khai nội dung một cách tự phát, viết theo cảm nhận cá nhân, chưa tập trung vào mục tiêu nên không biết cách sắp xếp các ý tứ, dẫn chứng để tạo ra tính chuyển đổi. Những lỗi thường thấy là:
Lỗi đầu tiên chính là tiêu đề không thu hút. Tiêu đề hay sẽ thu hút sự chú ý của người đọc, trong giới hạn hiển thị của Facebook rất tiếc chúng ta chỉ có vài dòng để phô bày sự lôi cuốn này. Có nhiều nội dung quảng cáo, sự thành công do tiêu đề quyết định đến 80%. Nếu ngay từ ban đầu, tiêu đề của bài viết đã mờ nhạt, thiếu điểm nhấn hoặc quá quen thuộc thì khách hàng sẽ không có động lực nào để nhấn vào nút xem thêm và đọc tiếp bài của bạn.
Thứ hai, nhiều bạn lại bỏ quên phần kêu gọi hành động (Call to Action) trong nội dung của mình. Chỉ cần lướt nhẹ vài vòng trên Facebook, bạn có thể bắt gặp rất nhiều bài viết thiếu hụt phần này hoặc chủ đích kêu gọi không đủ mạnh mẽ. Điều này thực sự làm lãng phí cơ hội thuyết phục khách hàng. Vì khi người xem đã nhấn vào để đọc tiếp bài viết và được thuyết phục 70-80% rồi, mà không được gợi nhớ hay nhắc lại thêm một lần nữa ở phần kêu gọi hành động, thì họ có xu hướng bỏ qua luôn nội dung đó.
Một lỗi phổ biến khác đó là vi phạm chính sách. Bất cứ nền tảng nào cũng có những chính sách riêng mà người viết bắt buộc phải tuân thủ. Đặc biệt bạn cần lưu ý khi triển khai nội dung cho những dịch vụ như thẩm mỹ, chăm sóc sức khoẻ, y tế... Đôi khi, dù đã chuẩn bị hình ảnh, bài viết đầy đủ và chỉn chu cho quảng cáo, thì bạn vẫn gặp phải một số vấn đề như: quảng cáo không được phân phối rộng rãi hay tài khoản quảng cáo bị ảnh hưởng, nếu nội dung chứa một vài từ ngữ vi phạm chính sách. Do đó, bạn cần phải nghiên cứu kỹ các chính sách quảng cáo, tạm gọi vui là “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. (Xem chính sách quảng cáo Facebook)
Cuối cùng, một lỗi tư duy quan trọng mà tôi nghĩ có đến 70-80% người làm content đang gặp phải là quá tập trung vào quảng cáo. Đương nhiên, nhiệm vụ của người làm marketing là phải truyền tải thông tin để thuyết phục khách hàng theo ý định của thương hiệu, nhưng hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng khi triển khai nội dung. Chẳng phải chính bạn cũng sẽ bỏ qua quảng cáo khi xem TV, sử dụng Facebook hay YouTube sao? Do vậy, với bài viết quảng cáo, nếu bạn để lộ ý định quảng cáo ngay từ đầu, hoặc diễn đạt quá phô thì sẽ không có tác dụng thu hút khách hàng. Họ có thể sẽ “bỏ chạy” ngay nếu thấy vài dòng đầu tiên đã hô hào quảng cáo.
Hãy tạo quảng cáo một cách khéo léo và tinh tế.
Lời khuyên dành cho người viết để tránh gặp phải lỗi này là, hãy tạo quảng cáo một cách khéo léo và tinh tế bằng cách: (1) không chia sẻ hết những nội dung quan trọng, (2) nên điều hướng khách hàng xem quảng cáo lần lượt theo ý đồ của mình, (3) đừng chăm chăm vào quảng cáo mà quên đi những giá trị có thể trao cho khách hàng thông qua bài viết.
2. Lỗi diễn đạt
Lỗi diễn đạt bao gồm các lỗi về cách trình bày nội dung hay cách viết. Nhiều bạn thường mắc phải các lỗi như sau:
Thứ nhất, viết rập khuôn 10 bài như 1. Đây là một lỗi mà hầu hết các bạn làm content mới vào nghề đều mắc phải. Ví dụ thường thấy nhất là: “Bạn đang cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, chán nản với chính bộ dạng của mình? Vậy thì hãy mua những bộ váy mới ở abcxyz đi!”. Concept bài viết phổ biến như này sẽ khiến khách hàng cảm thấy nhàm chán, không có gì mới mẻ, thu hút. Họ cảm thấy như đã đọc ở đâu đó rồi, cũng không có gì mới mẻ về mặt thông tin hay cảm xúc nên sẽ bỏ qua quảng cáo này ngay lập tức. Bởi vì Facebook còn quá nhiều thứ hay ho khác để xem.
Thứ hai, diễn đạt thiếu chặt chẽ. Để tránh gặp phải lỗi tư duy logic này, tôi thường lưu ý team nội dung của mình về cách viết như sau: Khi viết bất cứ bài viết, chủ đề gì, người viết đều cần phải sắp xếp thứ tự các ý một cách logic, diễn tả đầy đủ nguyên nhân, kết quả, trình bày lý do chi tiết đến lập luận thuyết phục khách hàng một cách mạch lạc nhất. Sau khi viết xong rồi, bạn hãy đọc lại kỹ càng để kiểm tra vị trí của các đoạn văn đã được xếp hợp lý chưa, ý tứ trong bài đã đủ thuyết phục chưa, liệu bài viết của mình có tính liên kết hay bị lủng củng ở đâu không? Nếu có, hãy điều chỉnh lại nội dung bài viết sao cho đúng đắn, chặt chẽ nhất có thể.
Thứ ba, viết hời hợt hoặc lan man. Tôi thường bắt gặp rất nhiều nội dung quảng cáo được viết hời hợt như: “Sản phẩm này rất tốt, sản phẩm này sẽ giúp cho doanh nghiệp của bạn làm việc hiệu quả, nhanh hơn, phần mềm này sẽ giúp cho doanh nghiệp của bạn tiết kiệm chi phí...”. Thay vì vậy, bạn có thể diễn đạt cụ thể hơn như: tiết kiệm bao nhiêu phần trăm chi phí, nhanh hơn bao nhiêu lần, sản phẩm đang được giảm giá bao nhiêu và trong thời gian nào, hay món đồ trang sức được chế tác tỉ mỉ bằng công nghệ gì, do nghệ nhân nào thực hiện?... Hãy mô tả chi tiết, chứ đừng viết chung chung.
Thứ tư, văn phong không phù hợp. Điều này đến từ việc người viết xác định sai nhóm đối tượng mục tiêu nên triển khai giọng văn không phù hợp. Trước khi triển khai nội dung, hãy xác định mình đang viết cho ai (dân chơi thể thao, mẹ bỉm sữa, thiếu nữ, người trung niên, tầng lớp thượng lưu..), họ đang sống ở đâu, làm công việc gì để lựa chọn giọng văn cho chính xác. Thậm chí, khi viết cho các đối tượng khách hàng ở vùng miền khác nhau, bạn cũng phải linh hoạt điều chỉnh ngôn ngữ sao cho phù hợp.
3. Lỗi trình bày
Lỗi trình bày gồm các lỗi hiển thị trên bài viết, hoặc liên quan đến ngôn từ, ngữ pháp. Lỗi cơ bản nhất mà người làm content thường gặp phải đó là lỗi chính tả. Việc đang đọc một nội dung rất lôi cuốn, mà gặp phải một lỗi chính tả, được ví như đang ăn cơm mà gặp sạn. Do vậy, tôi khuyến khích những bạn làm content nên mua cho mình một cuốn từ điển Tiếng Việt, cụ thể là của giáo sư Hoàng Phê để tra được những từ mà bạn không chắc chắn, nhằm đảm bảo được độ chuyên nghiệp nhất cho bài viết của mình. Vì khách hàng sẽ đánh giá một thương hiệu là cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp nếu bắt gặp một bài viết có lỗi sai chính tả, hay một từ bị sai dấu trên banner quảng cáo. Điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu, doanh nghiệp của bạn.
Bên cạnh lỗi chính tả có thể nhìn thấy được, thì chắc hẳn, nhiều bạn đã phạm phải lỗi ngữ pháp ít nhất một lần. Tất nhiên trên môi trường Facebook, chúng ta sẽ không quy định về ngữ pháp quá chặt chẽ, các bạn có thể thoải mái hơn viết báo hoặc bài viết website, nhưng tôi cho rằng “đúng vẫn tốt hơn là sai”.
Một lỗi ngữ pháp thường thấy nhất đó là “câu cụt, câu què” vì thiếu chủ ngữ/ vị ngữ, chẳng hạn: “Nhằm giúp chị em phụ nữ xinh đẹp hơn. Sản phẩm X có công dụng abcd”. Có thể thấy lỗi ở đây là người viết không nên chia ra hai câu, mà nên kết hợp lại để thành một câu trọn vẹn. Khi chia chúng làm đôi và đặt dấu chấm ở giữa, thì câu đầu tiên không có đầy đủ chủ ngữ - vị ngữ, mà chỉ có trạng ngữ chỉ mục đích mà thôi. Để cải thiện lỗi này, người viết có thể ôn lại phần ngữ pháp Tiếng Việt trong chương trình phổ thông.
Cuối cùng, một lỗi khác góp phần tạo ra sự thiếu chuyên nghiệp cho bài viết đó là có quá nhiều icon xanh, đỏ, tím, vàng trong cách trình bày. Người viết nên trình bày những icon này một cách tiết chế tuỳ vào lĩnh vực, ngành hàng và đối tượng khách hàng. Ở những bài viết cho ngành công nghệ, B2B, sản xuất luôn đòi hỏi kiến thức bài bản, sự nghiêm túc, thì bạn chỉ nên chèn một vài icon cơ bản. Còn đối với các nội dung cho ngành mỹ phẩm, thời trang, hay hướng đến giới trẻ, mẹ bỉm sữa thì bạn có thể thêm nhiều icon thoải mái hơn. Tuy nhiên bạn đừng nên tham quá, vì sẽ làm cho bài viết trở nên rối mắt, phản cảm, thiếu chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên ngắt đoạn cho bài viết của mình, với thói quen xem lướt, đa số người xem rất “lười đọc”, nhất là với nội dung quá dài và từ đầu đến cuối cả bài không ngắt đoạn. Tách thành nhiều đoạn ngắn và có dòng giãn cách giúp khách hàng dễ nắm bắt thông tin của bạn hơn.
Trên đây là những sai lầm phổ biến mà người viết không nên gặp phải để đảm bảo nội dung quảng cáo được tối ưu nhất có thể. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách tạo nội dung hiệu quả hơn để quảng cáo Facebook hãy tham khảo khóa học Performance Content: Tối ưu nội dung quảng cáo Facebook. Khóa học này sẽ hướng dẫn bạn cách thức tối ưu nội dung từ bài viết, hình ảnh cho đến video để tăng hiệu quả cho chiến dịch quảng cáo.