6 sai lầm phổ biến trong quá trình đặt tên thương hiệu

Nếu đặt tên dở, bạn phải giàu. Đó là vì với một cái tên không phù hợp, bạn sẽ tốn nhiều công sức để xây dựng so với những cái tên đặc sắc, dễ ghi nhớ khác. Hoặc nếu một tên gọi bạn không thể sở hữu về mặt pháp luật, thì khi thương hiệu của bạn bị người khác lợi dụng, đạo nhái, bạn cũng rất khó để được bảo hộ.

bài viết trước, tôi đã giới thiệu về 6 phương pháp đặt tên thương hiệu. Trong bài viết này, hãy tiếp tục tìm hiểu về 6 sai lầm khá phổ biến khi đặt tên thương hiệu để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.

1. Trùng tên danh nhân

Câu chuyện của phở Lý Quốc Sư là một ví dụ cho trường hợp này. Ngày nay, trên cùng một con đường, ta có thể bắt gặp rất nhiều quán phở cùng bảng tên “phở Lý Quốc Sư”, việc này khiến khách hàng khó để xác định đâu mới là phở Lý Quốc Sư chính gốc.

Người chủ của thương hiệu này cũng rất đau đầu vì vấn đề trên. Thế nhưng dù là một thương hiệu phở rất nổi tiếng và lâu đời, bản thân thương hiệu không thể đăng ký bản quyền. Nguyên do là bởi Lý Quốc Sư vốn là tên một vị thiền sư nổi tiếng thời nhà Lý ở Việt Nam.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không thể sở hữu tên thương hiệu nếu tên đó trùng với tên các vị danh nhân.

6 sai lầm phổ biến trong quá trình đặt tên thương hiệu

Nguồn: Phở Lý Quốc Sư

2. Trùng tên địa danh

Trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhiều thương hiệu thường chọn tên của địa phương nơi “khai sinh” ra món ăn đó để đặt tên. Có thể kể đến như Chè bưởi Vĩnh Long, Trà Thái Nguyên, kem bơ Đà Lạt, hủ tiếu Sa Đéc…

Đây đều là những tên gọi mà bản thân người chủ sở hữu của sản phẩm, dịch vụ, hàng quán đó không thể đăng ký bảo hộ tên thương hiệu vì bị trùng tên địa danh.

6 sai lầm phổ biến trong quá trình đặt tên thương hiệu

Nguồn: Chè Tân Cương

3. Ký tự đơn giản hoặc dưới 3 chữ cái

Ngân hàng MB Bank – Ngân hàng Quân đội từng gặp phải một tình huống tréo ngoe vì tên thương hiệu quá ngắn của mình. Một trang lừa đảo cũng lấy hai chữ cái MB (MB24) để đặt tên. Việc này đã gây ra ảnh hưởng khá lớn đối với danh tiếng của ngân hàng này.

Tuy nhiên, Ngân hàng Quân đội lại không thể kiện MB24 về vấn đề tên thương hiệu hay buộc MB24 đóng trang thương mại. Bởi lẽ bản thân “MB” vốn là một chữ rất ngắn và có ít hơn 3 chữ cái, Ngân hàng Quân đội không thể sở hữu độc quyền đối với chữ MB.

6 sai lầm phổ biến trong quá trình đặt tên thương hiệu

Nguồn: Tổng hợp

4. Gây hiểu nhầm nguồn gốc thương hiệu

Paris Gâteaux hay Tokyolife là những cái tên dễ khiến người tiêu dùng hiểu lầm về nguồn gốc, xuất xứ của thương hiệu hay sản phẩm.

Việc đặt tên như thế sẽ rất khó để bảo hộ được tên thương hiệu. Trừ trường hợp một thương hiệu nước ngoài du nhập vào Việt Nam và họ đăng ký bản quyền sở hữu tên thương hiệu đó tại lãnh thổ Việt Nam.

6 sai lầm phổ biến trong quá trình đặt tên thương hiệu

Nguồn: Vietnamtop10

5. Chỉ thuần mô tả dịch vụ hoặc sản phẩm

Chẳng hạn như đối với chuỗi cửa hàng bán lẻ Thế Giới Di Động (thegioididong), người tiêu dùng sẽ dễ dàng hình dung đây là một chuỗi bán điện thoại di động vô cùng lớn. Tuy nhiên, với cụm từ “thế giới di động” thì bản thân chủ sở hữu không thể đăng ký để sở hữu tên thương hiệu này, bởi vì đây là một từ mô tả rất phổ thông.

Tuy nhiên, với trường hợp của Bách Hóa Xanh hay Điện Máy Xanh, việc gắn chữ “xanh” sẽ giúp tên thương hiệu trở nên khác biệt hơn và đặc sắc hơn, không còn chỉ thuần mô tả về sản phẩm hay dịch vụ. Trong trường hợp này, họ có thể đăng ký để sở hữu tên thương hiệu.

6 sai lầm phổ biến trong quá trình đặt tên thương hiệu

Nguồn: Vietnambiz

6. Ý nghĩa tên không phù hợp

Một ví dụ điển hình cho sai lầm này là hãng hàng không Air Speed Up của nhạc sĩ Hà Dũng. Air Speed Up khi dịch sang tiếng Việt, thương hiệu sẽ có tên là “Tăng Tốc”, khi bỏ dấu và sử dụng trên truyền thông thì sẽ khiến người đọc dễ nhầm thành “Tang Tóc”.

Có thể thấy, với một hãng máy bay, vốn là phương tiện để di chuyển, tên gọi như vậy là hoàn toàn không phù hợp. Về sau, thương hiệu này đã phải đổi sang một tên khác là Indochina Airlines tức là hãng máy bay Đông Dương.

6 sai lầm phổ biến trong quá trình đặt tên thương hiệu

Nguồn: Vietnammoi

Kết luận

“Nếu bạn đặt tên dở, bạn phải giàu”. Khi chọn tên thương hiệu không phù hợp, bạn có thể sẽ bị kiện vì vi phạm bản quyền. Hoặc một trường hợp khác đáng buồn hơn là việc tên thương hiệu mà bạn đã tốn ngân sách và công sức để xây dựng, cuối cùng lại có thể bị người khác kinh doanh, lợi dụng, nhưng bạn lại không thể làm gì được họ.

Do đó, hãy thật cẩn trọng và tỉnh táo khi đặt tên thương hiệu, cũng như có một quy trình rõ ràng, chỉn chu cho công việc quan trọng này. Khóa học "Brand Naming: Đặt tên thương hiệu chuyên nghiệp" sẽ cung cấp quy trình 5 bước cùng với các phương pháp / lưu ý khi đặt tên thương hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ.

Trên đây là nội dung mà giảng viên Mai Hồng Ngọc đã chia sẻ trong khoá học "Brand Naming: Đặt tên thương hiệu chuyên nghiệp". Với kinh nghiệm tư vấn và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đặt tên, cũng như sở hữu hai công ty riêng B-Rise Agency và Nội thất Là Nhà, giảng viên Mai Hồng Ngọc sẽ giúp bạn tự tin hơn khi đặt những "viên gạch đầu tiên" xây dựng thương hiệu của mình, để thương hiệu có một tên gọi như bạn mong muốn và có thể sở hữu được.

Chị Ngọc hiện tại là CEO của B-Rise Agency, chuyên tư vấn và thực thi các giải pháp truyền thông tích hợp cho doanh nghiệp SME / Start-up tại Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản và Anh. Chị từng nhiều năm giữ vị trí quản lý tại Dentsu Redder, thực hiện các dự án truyền thông tích hợp cho nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế như Biti's Kids, Mirinda, Panasonic, Minh Long, Nivea, Kotex...