Sơ lược về sự tiến hoá của quản lý chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng là tập hợp các quy trình liên kết với nhau – được thực hiện bởi các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động tạo ra sản phẩm và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Theo thời gian, cách tiếp cận trong quản lý chuỗi cung ứng sẽ có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu cũng như thách thức từ thị trường.
1. Thập niên 1960s: Hoạt động Logistics cơ bản
Trong giai đoạn này, hoạt động vận hành được triển khai ở mức cơ bản, xoay quanh việc quản lý hàng tồn kho, lưu trữ và vận chuyển sản phẩm. Khi đó, phòng Logistics hoạt động tách biệt so với các phòng ban còn lại theo cấu trúc phân tán khắp các vùng bán hàng.
Bên cạnh đó, giai đoạn này có rất ít sự cạnh tranh toàn cầu nên các công ty sở hữu các dây chuyền sản xuất với quy mô lớn và kênh phân phối sẽ có lợi thế vượt trội. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng ít có sự lựa chọn và vấn đề hiệu quả của hoạt động Logistics cũng chưa thực sự được chú trọng.
2. Thập niên 1970s: Quản lý chi phí toàn diện
Thập niên 70 của thế kỷ XX chứng kiến tình hình cạnh tranh gia tăng với sự gia nhập của nhiều đối thủ mới, dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp trở nên khó khăn.
Hơn thế, chi phí năng lượng còn tăng cao do nguồn cung dầu hỏa giảm – ảnh hưởng bởi phong trào cách mạng Iran. Giá dầu đã đụng trần từ năm 1979 đến đầu 1980 khiến tình trạng lạm phát “phi mã” 2 con số, buộc các quốc gia Mỹ, Canada, Tây Đức, Ý, Anh và Nhật phải thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất tiền gửi. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đỉnh điểm gần 11% tại Mỹ.
Để giảm sự phụ thuộc vào các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC, năng lượng dùng để sản xuất điện chuyển từ dầu mỏ sang các nguồn thay thế như than đá, khí tự nhiên và năng lượng hạt nhân. Theo đó, chi tiêu có phần sụt giảm nhưng lại phát sinh mức tồn kho cao. Vì thế, các doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu của phòng Logistics từ phi tập trung sang tập trung, đồng thời tái cấu trúc chi phí giữa các bộ phận để giảm chi phí.
3. Thập niên 1980s: Quản lý Logistics tích hợp
Trong những năm 80, bối cảnh kinh doanh tiếp tục có những chuyển biến sâu sắc khi quyền mặc cả không còn nằm trong tay các doanh nghiệp sản xuất mà chuyển sang các doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách tiếp cận ở góc độ chiến lược – tận dụng tối đa nguồn lực, nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận Logistics với các phòng ban. Giờ đây, các quyết định được thực hiện dựa trên dữ liệu ghi nhận từ lịch sử hoạt động, kết hợp với các phân tích thị trường nhờ vào sự hỗ trợ của hệ thống lưu trữ thông tin trên máy tính.
4. Thập niên 1990s đến nay: Quản lý Chuỗi cung ứng
Kỷ nguyên toàn cầu hóa bắt đầu song song với sự phát triển của Internet, hệ thống WWW (World Wide Web), sự ra đời của smartphone và thương mại điện tử; bên cạnh hoạt động thương mại và cạnh tranh diễn ra ở cấp độ toàn cầu. Hơn thế, nhu cầu sản phẩm giá trị cũng gia tăng khiến chuỗi cung ứng dần phức tạp hơn từ đầu đến cuối chuỗi. Vì thế, cách tiếp cận đã thay đổi từ quản lý Logistics sang quản lý chuỗi cung ứng ở góc độ chiến lược.
Với xu thế nguồn lực trở nên khan hiếm và thị hiếu khách hàng thay đổi liên tục, doanh nghiệp cần tận dụng thế mạnh từ các nhà cung cấp và đối tác bên ngoài, bên cạnh tập trung vào năng lực lõi để đẩy nhanh tốc độ phát triển và phát hành sản phẩm mới. Do đó, sự hợp tác được mở rộng từ cấp độ phòng ban sang cấp độ tổ chức với dịch vụ thuê ngoài (outsourcing). Còn hoạt động trong chuỗi cung ứng thì tập trung vào sự linh hoạt, các quy trình vận hành chuyển sang hướng tự động hóa giúp nâng cao hiệu suất hoạt động.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số cũng được đẩy nhanh, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Hệ thống quản lý thông tin giúp việc ghi nhận dữ liệu, giao dịch, xử lý, đối soát và truyền thông tin được diễn ra nhanh chóng. Bên cạnh đó, phát triển bền vững được đặc biệt chú trọng khi các vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu được xã hội quan tâm nhiều hơn.
Tóm lại, có thể thấy, các khung lý thuyết liên quan đến hoạt động quản trị kinh doanh đều được hình thành và gắn liền với bối cảnh xã hội cụ thể. Do đó, hiểu được xu thế phát triển sẽ giúp doanh nghiệp có những định hướng thay đổi phù hợp trong tương lai.
Bạn đọc có thể tham khảo khóa học “Fundamentals of Supply Chain Management” để có cái nhìn tổng quan về chuỗi cung ứng, cũng như vai trò của Marketing/ Sales và Supply Chain trong việc mang đến chuỗi giá trị cho người tiêu dùng.
Đồng hành cùng học viên trong khóa học “Fundamentals of Supply Chain Management – Nền tảng Quản lý Chuỗi cung ứng” là chị Lý Ngọc Phương, Former Strategic Planning Manager @ Wilmar CLV (trực thuộc Wilmar International Limited, là một tập đoàn nông sản hàng đầu tại Châu Á và có trụ sở tại Singapore). Chị có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc với chuyên môn về Quản lý Chuỗi cung ứng và Tài chính trong lĩnh vực Thức ăn chăn nuôi và ngành FMCG ở thị trường nội địa, quốc tế.
Khóa học sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức nền tảng về chuỗi cung ứng từ kinh nghiệm thực tế của giảng viên. Qua đó, bạn sẽ có được góc nhìn toàn diện và ứng dụng hiệu quả vào hoạt động thực thi quản lý chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp của mình.
Lý Ngọc Phương
599,000đ